Tag Archives: Đại Nam thực lục

Sử Việt đọc một bộ

…mà mãi vẫn chưa xong.. He he he. Ý em nói bộ Đại Nam thực lục ấy mà. Bộ này NXB Giáo Dục mới in lại thành 10 tập to uỵch, rất chi là hoành tráng, có bảng tra cứu rất tiện lợi, tuy nhiên nhiều chỗ cần biên tập kỹ hơn nữa. Thí dụ đoạn trên bảo cụ Nguyễn Công Trứ là Tổng đốc Hải Yên, đoạn dưới đã là Hải An, đến tập sau lại là Hải Yên… Ai chả biết chữ Hán, Yên cũng đọc là An, An cũng chính là Yên nhưng mừ làm thế nào cho nó chính xác và đồng bộ chứ.

Em ngờ rằng các cụ tổ phiên dịch của Viện Sử học ngày xưa không hiếm người có tính hài hước. Dẫu cho các cụ sử gia triều Nguyễn nói theo lối bi giờ là chép sử theo sự “chỉ đạo từ trển” gắt gao hơn các thời trước nhiều, nhưng trong Đại Nam thực lục có nhiều tình tiết các cụ dịch đắt và hay đến độ không muốn vỗ đùi đen đét cũng không được. A, không, nói thế hơi mất hình tượng, vỗ đùi đen đét làm gì có, nhưng cười khanh khách đến độ chồng phải giựt mình thì có.

Đọc ĐNTL sơ bộ có mấy cái thấy đáng chú ý :

Thứ nhất, sớ tấu nhiều khủng khiếp nhưng vua còn làm việc khủng khiếp hơn, đặc biệt là Minh Mệnh. Bất cứ một tờ sớ tấu nào dâng lên dù là vì bất cứ việc gì cũng đều có lời phản hồi do nhà vua đích thân châu phê. Kiểu này, mỗi tối ông ấy phải thức đến tận sáng để mà đọc và trả lời sớ tấu, lấy đâu ra thì giờ để mà lảng vảng tam cung lục viện rồi còn “nhất dạ lục giao sinh thất tử”…Hèm hèm…

Các vua triều Nguyễn bận rộn việc triều đình thế mà vị nào cũng có mấy tập văn thơ dày cộp to tổ chảng. Chả hiểu họ sáng tác vào lúc nào. Hổm rồi, mình với bác Ánh đại ca có đùa nhau rằng, mấy ông ấy viết thơ văn cứ như là viết blog mỗi ngày ý mà, cũng có entry hay, entry dở hoặc có cái entry viết lăng nha lăng nhăng. Em nói không đùa đâu, cứ tập hợp entry của mấy bác siêu sao blog lại mà đem in thành tập lại chả dày đến mấy nghìn trang ấy à?

Trong ĐNTL có rất nhiều sớ tấu về khẩn hoang và đê điều. Ai quan tâm lôi Đại Nam thực lục ra mà đọc, dịch ráo cả rồi. Không chịu đọc sử cứ ngồi đó mà kêu là sớ tấu đê điều nhiều mà chưa ai dịch.

Riêng về cụ Nguyễn Công Trứ (he he), tại sao cụ chỉ có duy nhứt một bài thơ chữ Hán trong khi sáng tác để lại của cụ tuyền là thơ Nôm? Nhiều nhà nghiên cứu lí giải hiện tượng này lắm, nào là thế này nào là thế nọ. Úi giời, em cứ đọc sử em suy thôi. Quãng thời gian làm quan của cụ lúc nào cũng thấy cụ đang trên đường hết quai đê lấn biển, hết nạo sông thì lại đi đánh giặc. Đọc mà thấy hãi, cụ bôn ba khắp Đông Tây Nam Bắc, đầu tháng này còn ở đây, cuối tháng đã ở tít tắp mù khơi đuổi giặc, còn đánh dẹp đến tận cả Côn Lôn nữa. Cụ chỉ có một mối bận tâm duy nhất đó là lo lắng vận lương điều quân và viết sớ tấu về “mách” vua, cụ lấy đâu ra thì giờ mà ngâm ngợi thơ văn. Mấy sáng tác Nôm cụ làm chủ yếu là hồi cụ chưa ra làm quan và sau khi cụ nghỉ hưu, lúc ấy cụ làm cho mấy “ẻm” hát. Viết lời cho mấy “ẻm” hát là phải thật độc, thật lẳng, thật khinh khoái, có nói ngông tí cho sướng cũng được … trong khi thơ chữ Hán niêm luật gò bó, ngôn từ điển nhã khô cứng chả hợp với sự thích của cụ, nên cụ từ chối không dùng, loại ra khỏi menu của cụ âu cũng là cái lẽ đương nhiên…

Em loay hoay hai ngày giời với mấy cái bảng thống kê và chấm cái biểu đồ đường hoạn lộ của cụ Trứ. Con số thống kê càng rõ ràng, em càng kém tin, tệ thật. Con số luôn là con dao hai lưỡi. Hơn nữa “sử”, xét cho đến tận cùng cũng có sự dối trá của nó.

Trong cuốn Triết lý chấp sinh Nguyễn Công Trứ của cụ Vũ Đình Trác có vẽ tay biểu đồ thăng giáng nhưng mà sai về phẩm trật ráo cả. Thế là phải lôi Đại Nam hội điển sự lệ ra tra từng trật một . Ngồi suốt buổi chiều không xong, tối huy động cả dì sang giúp, dù sao chuyên ngành của hắn đúng là sử cổ trung, hắn nắm mấy cái quan chế vững hơn mình. Hai chị em rải sách ra thềm dò mãi suốt buổi tối mà cũng vẫn còn non nửa…

Mệt chết lên được….