Không đề

Lâu lâu mới ghé lại nơi này…Không ngờ vẫn có người dừng chân lại đây đọc những dòng không đầu không đũa được viết trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đời mình.

Đó là những đêm mất ngủ triền miên, mất phương hướng và vô vọng…

Giờ đây “quá khứ đã được dọn dẹp, phơi phóng rồi xếp vào ngăn gọn gàng và sạch sẽ”.

Tuyệt đối sẽ không quay đầu lại. Tuyệt đối…


Lông gà lông vịt

Trong những ngày gần đây, tôi thường nghĩ về sự trải nghiệm của tay cớm Wallander cô đơn, béo ị, mắc bệnh tiểu đường, vụng về, thường đánh đổ cà phê ra quần và để lại vết thức ăn trên áo vest đã cảm nhận khi người bạn từ thủa nhỏ của ông bán trại ngựa và ra đi bắt đầu một cuộc sống mới. Có những mối quan hệ thực ra đã chấm dứt từ rất lâu trước khi chúng ta phát hiện ra những vết rạn nứt. Dạo gần đây tôi cũng thường tự hỏi: còn ai ở lại trong quá khứ của mình?

Vấn đề của tôi đơn giản nằm ở hai chữ “buồn chán”. Sự ngu xuẩn hoặc dối trá cứ lặp đi lặp lại của một vài người lâu dần khiến tôi cảm thấy vô vị. Hồi đầu trong mắt tôi họ là những tên hề trong một vở hài kịch. Vốn rất thích mấy trò hài hước vì thế lúc đầu tôi thường tự mình thêm thắt và thúc đẩy các tình tiết để vở kịch có cao trào rồi bất ngờ cởi nút. Giờ đây tất cả chỉ là chổi lông gà và lông vịt. Ở xã hội này, trong giai đoạn này, với điều kiện vật chất và tinh thần này, sự có mặt và to mồm của chổi lông gà và lông vịt là điều tất yếu không tránh khỏi. Đã là tất yếu thì cứ để cho họ cái quyền được tiếp tục ngu xuẩn.

Còn sự dối trá của những người mà tôi rất muốn tin? Thi thoảng tôi phán xét họ trong sự im lặng của mình. Có những mối quan hệ nhiều ràng buộc đến nỗi tôi không thể đứng trước họ để mà giận dữ nói rằng: “Anh/Chị/Cậu làm tôi thất vọng”. Có những người tôi không thể khóc trước mặt họ để họ có thể cảm thấy rằng tôi đang rất đau khổ. Vì thế tôi chỉ có thể trả lời họ bằng sự vắng mặt và im lặng.

Một buổi sáng trời mưa lẹp nhẹp, Hà Nội ướt lạnh, lầy lội. Tôi ngồi trong quán cà phê nhỏ ở vỉa hè lơ đãng nhìn đôi giầy thể thao lấm bùn và cảm thấy thực sự hài lòng vì được ở một mình, dù chỉ trong chốc lát. Khi gửi lại tiền thừa cho tôi, ông chủ quán hỏi về sự vắng mặt của đồng chí bạn cà phê cà pháo, tôi nói rằng hắn đang có một chuyến đi công tác xa. Bất chợt cảm giác ghen tị trỗi dậy. Hắn luôn có cơ hội để chạy thoát khỏi Hà Nội, thoát khỏi sự bẩn thỉu ướt át và lầy lội của mùa này, thoát khỏi không khí buồn chán và tẻ nhạt lặp đi lặp lại nơi đây. Giống như Wallander, với tôi, mọi chuyến đi luôn chỉ nằm trong “dự định”….

Khi tôi bước qua cánh cổng sắt quen thuộc, cố nhẩm tính trong đầu về những lời sẽ phải nói, cố lấy lại vẻ mặt tươi tỉnh, tôi chợt nhận ra rằng: ngay cả sự tồn tại của tôi ở cõi đời này cũng là một sự dối trá đáng kinh khiếp…..


Linh tinh

Gần 3h sáng, đã tống 4 cốc cà phê vào bụng mà vẫn phải banh mắt ra để khỏi ngủ gật.

Loay hoay giữa một đống tài liệu bề bộn, hết cầm lên lại đặt xuống, hết đặt xuống lại cầm lên. Bây giờ đã thực sự hiểu thế nào là hoảng hốt.

Ngày mai biết nói cái gì bây giờ hở giời ?

Ngày mai, ngày mai, ngày mai…真的丢脸! :)) :)) :))


Thôi em trở lại

Sau một thời gian lần theo dấu vết của những “ổ gái điếm” dọc theo khu vực sông Doméa, câu hỏi ban đầu đặt ra ít nhiều cũng đã được giải đáp một phần. Giờ sẽ là bước tiếp theo thứ hai, đầy cam go và gay cấn. Chỉ có điều, lúc nào mình cũng đi chậm một bước so với thời gian đã định (vì trong quá trình lần dấu vết mình cứ rẽ ngang rẽ dọc nhiều quá). Từ hồi đụng vào bộ phận sớ tấu của Nguyễn Công Trứ đến nay có một điều khiến mình luôn luôn thấy cần phải cảnh giác cao độ đó là không được bỏ qua bất cứ một dấu vết nào dù là nhỏ nhất.
Chiều nay vì cuốn sách đang dịch phải đem đi photo bổ sung nên mới có thời gian rảnh mò ra Đinh Lễ lấy mấy cuốn sách (trong đó có cuốn đã hứa tặng bác siêu sao blog). Giời ạ, đứng đợi đúng 1 tiếng rưỡi đồng chí chủ hiệu mới vác sách ra (hàng hiếm nên vét mãi mới còn mấy cuốn). Trong khi đứng đợi vì không có việc gì để làm nên đã ngắm nghía đủ mọi loại ngóc ngách của hiệu sách, và sau một giờ ngó vào tất cả những góc khuất (theo kinh nghiệm bản thân những sách mình cần bao giờ cũng bị ủn vào những chỗ tăm tối) thì đã kíp tha lôi về cho bản thân khoảng gần 1 chục cuốn khác. Một chuyện hay ho nữa là đồng chí chủ hiệu sau khi đem sách đến cho mình còn khuyến mại thêm 1 câu: chị có biết ông X, anh Y không, mấy người họ hôm rồi cũng lấy bộ này ở chỗ em đấy. (Ý rằng mấy cái ông X, anh Y ấy mà còn đọc sách này thì đây là hàng độc lắm đấy nhá). Hóa ra ông X, anh Y ấy mình cũng có quen biết thật. Chậc, thế mới biết, đi mua sách cũng cần phải xưng danh, oách thế!

Đã kịp bổ sung thêm những cuốn khác của Đỗ Quang Chính. Như vậy là ngoài 2 cuốn: Lịch sử chữ Quốc ngữTản mạn lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, hôm nay có tha về thêm 4 cuốn nữa của tác giả này:

  1. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773 (cuốn này định mua thêm 1 cuốn tặng cho đồng chí nào đó nhưng còn 1 cuốn duy nhất. Số ai đó đen thế!)
  2. Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam
  3. Dòng Mến thánh giá những năm đầu
  4. Hòa mình vào xã hội Việt Nam
  5. Một cuốn khác nằm trong góc tối đầy mạng nhện được mình lôi ra là cuốn Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kì năm 1861 của Léopold Pallu. Tại vì phải ngồi chờ chủ hiệu về kho vét sách nên tranh thủ ngồi tại chỗ ngó nghiêng vài trang, càng đọc thì càng thấy sửng sốt. Cuốn sách viết về hạm đội thủy quân Pháp dưới sự thống lãnh của Phó thủy sư đô đốc Charner đi đánh chiếm Nam Kỳ. Nhưng nó không phải là một cuốn sách kể lể chiến đấu đơn thuần mà nó còn cung cấp cho người đọc những mô tả về địa lý và con người An Nam từ cái nhìn của kẻ đánh chiếm. Thí dụ như có những đoạn miêu tả các cách thức dùng nhục hình của người Việt hoặc có hẳn một chương về diện mạo của người An Nam, đặc tính tinh thần và sự chuyên chế phụ hệ mô tả cụ thể từ dáng dấp đến quần áo của đàn ông và đàn bà ở Sài Gòn thế kỷ XIX….

Nhắn đồng chí Sửa bản in: Chiều nay đã mó tay vào cuốn Những huyền thoại. Đã lật xem lời bạt. Bìa đẹp, khổ sách đúng là khổ mà tớ thích. Giá bìa ghi 98.000 đồng. Nhất quyết chờ được tặng chứ không mua!

Nhắn bạn nào cần tìm cuốn Sư tử và rồng: Xin nhấn mạnh là cuốn này không có bán ở hiệu sách nên nếu bạn ở Hà Nội mà lại rất cần thông tin trong sách xin qua chỗ bản blog lấy sách mà photo ạ!


“Đại playboy” Nguyễn Công Trứ

1. Nếu như thu xếp được thời gian [trong tương lai khoảng 20 năm tới] sẽ lựa chọn học thêm [nghiêm túc] 1 trong 2 thứ: hoặc chữ La tinh hoặc chữ Hà Lan cổ. Đương nhiên đây là nhiệm vụ cực kỳ cực kỳ cực kỳ cực kỳ (cực kỳ n lần) bất khả thi. Tại sao lại nảy nòi ra cái thói học đòi ham chữ như thiên hạ như thế? Cũng tại bởi vì dạo gần đây rỗi việc quá nên mới đọc mấy cuốn sách của Đỗ Quang Chính (Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Tản mạn lịch sử giáo hội công giáo Việt Nam) và một cuốn của NXB Thế giới nghiên cứu về vị trí vai trò của công ty Đông Ấn Hà Lan trong mối quan hệ với Đàng Ngoài và Đàng Trong ở Việt Nam thế kỷ XVII. (A quên, thông báo là bạn đã xin được một cuốn về công ty Đông Ấn cho bạn Toàn Vẹn rồi nhá; 🙂 )

Những tài liệu của giáo hội (thư tay của các giáo sĩ truyền giáo ở Việt Nam thế kỷ XVII hoặc những cuốn sách do các giáo sĩ biên soạn về phong tục tập quán An Nam) đã cung cấp rất nhiều thông tin có giá trị về xã hội Đại Việt lúc đó, một xã hội được nhìn từ bên ngoài (thay vì những gì được ghi chép rất chung chung trong các bộ sử của người Việt, những mô tả của các giáo sĩ thường rất cụ thể và tỉ mỉ và cụ thể. Thí dụ họ cung cấp tên gọi, mô tả các loại cây ăn trái ở Đại Việt, những phong tục tập quán ma chay cưới hỏi của người Việt vân vân…). Muốn khai thác mảng tư liệu này nhất thiết phải đọc được chữ La tinh.

Những tư liệu ghi chép của các thương nhân, thuyền trưởng, những bản báo cáo của nhân viên gửi về nhiệm sở của công ty Đông Ấn Hà Lan hồi thế kỷ XVII cũng là một nguồn tư liệu quý giá mà hiện nay kho tư liệu này mới chỉ được khai thác tí tẹo tèo teo. Nếu như nguồn tư liệu này được khai mở, nó sẽ cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin làm sáng tỏ thêm giai đoạn giao lưu văn hóa Đông Tây diễn ra ở Đại Việt thế kỷ XVII. Những tài liệu này được ghi chép bằng chữ Hà Lan cổ và trên thế giới rất ít người có thể đọc được dạng văn tự này, may thay ở Việt Nam có 1 người. Đọc mấy thông tin từ nguồn tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan thấy mà ham, chỉ ước giá chi mình biết đọc chữ Hà Lan cổ thì hay biết mấy…Hic hic hic…

Một gợi ý to lớn từ bài viết của TS Hoàng Anh Tuấn (người đọc được chữ Hà Lan cổ) cho những ý tưởng triển khai hiện thời:

Theo tư liệu của công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh, các quan niệm xã hội truyền thống của người Việt nhất là quan niệm về quan hệ tình dục, đã thay đổi rất mạnh với sự lưu trú của thương nhân ngoại quốc. Rất nhiều nhân viên thương điếm Hà Lan ở Kẻ Chợ có “vợ Đàng Ngoài”, trong khi thủy thủ và thương nhân đến theo mùa mậu dịch dễ dàng kiếm được gái điếm ở khu vực neo đỗ tàu quanh Doméa- tương tự như đồng nghiệp của họ ở Nhật Bản dễ dàng tìm được “vợ Nhật” và keisei. Một vài thế hệ con lai Việt- Hà đã ra đời. …

Trên phương diện xã hội, đến cuối thế kỷ XVII, tình trạng gái điếm tại Doméa đã lan tràn đến mức , theo báo cáo của viên giám đốc thương điếm Anh tại Thăng Long đa phần thủy thủ đoàn của họ bị ốm yếu vì “hoang dâm vô độ”…..”(Hoàng Anh Tuấn, Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Đàng Ngoài, 1637-1700, trích từ Sư tử và Rồng, bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan-Việt Nam)

2. Sau khi trở về từ Ngàn Hống xa xôi, sau khi âm thầm lãnh hội đủ mọi dạng thức tiếp nhận về “đại playboi” Nguyễn Công Trứ bản thân cảm thấy đại khai nhãn giới, bừng tỉnh giác ngộ, phút chốc thấy mình như đang “cầm quỳ hoa mà miệng nhỏng nhảnh cười thầm”…:)) . Cảm thấy vạn vật tất thảy chỉ là lừa dối, chớp mắt thấy tri thức con người chỉ là những ngộ nhận sai lầm đầy hoang tưởng. (Em viết thế này đã được xem là ngộ chưa hở mấy bác?)

Thuật ngữ “đại playboy” là quachhiennb thông diễn lại (với nhiều hý cảm) từ thuật ngữ “tay chơi lớn” trong lời đề dẫn của PGS TS Trần Ngọc Vương tại hội thảo về Nguyễn Công Trứ vừa diễn ra tại Hà Tĩnh những ngày cuối tháng 12 năm 2008. Thực ra, thuật ngữ này là nâng cao thêm một tầng nữa cái ý mà trước đây, Tiến sĩ Văn Phú Quang “Việt Kiều” (he he he- lưu ý chữ trong ngoặc có điển cố à nha) từ nước Mỹ xa xôi đã nhấn mạnh về một Nguyễn Công Trứ với “thái độ chơi” trước cuộc đời và công việc (Nguyễn Công Trứ: nhìn từ một quan điểm triết học-CVD dịch). Hội thảo với khoảng 40 bài tham luận (trong đó có những tên tuổi lừng lấy của ngành KHXH Việt Nam he he he), ngoại trừ một số bài (rất nhỏ) gợi ý một cách nhìn mới về ông, còn lại công thức chung sẽ như sau: NCT = khai khẩn= oánh nhau= ngông nghênh = nhân tài = kiệt xuất. Nghĩa là bất kể ông ở vị trí nào, cuối cùng ông cũng phải là một nhân tài lừng lẫy đáng được ca ngợi hết mức, không thể nào khác. Đương nhiên chả nên thắc mắc cái công thức ấy làm gì, bởi vì câu trả lời sẽ rất đơn giản: không lừng lẫy sao con cháu hơn hai trăm năm sau phải làm hội thảo kỷ niệm ông?

Nguyễn Công Trứ “sống” cho đến ngày hôm nay, chính bởi vì ông là một “tay chơi lớn”, một người đứng bên ngoài mọi công thức, một tay chơi tung hết mọi vốn liếng tài tình, đặt cược cho ván bài của hiện tại mà không cần bận tâm quá khứ hay tương lai. Rốt cuộc điều gì đã tạo nên một tay chơi như thế ở vào thời đại như thế, hoàn cảnh như thế, số phận như thế, tính cách như thế? Trước ông, cùng thời với ông và mãi về sau này ai có thể sánh với ông cái tâm thức “chơi” như thế nhỉ? (Ah, hình như
có một người, một người chuyên gửi rượu ở các quan bar…He he he).

3. Dạo này để thư giãn thì quay sang nghiên cứu Poppin, Locking và Breaking. Hoặc ngoài bạnh mồm ra trọ trẹ mấy từ tiếng Anh (Tại sao, tại sao tôi là người Việt Nam lại cứ tự ép mình phải nói tiếng Anh như người Mỹ. Tại sao?) thì thú giải trí duy nhất là lên mạng chờ mấy em tuổi teen ở xứ Đài up từng tập phim thần tượng đang hot ở “bển” lên Youtube rồi vào xem cho nó đỡ …ghiền. Càng xem càng không dứt ra được, càng xem càng sốt ruột chờ mãi, chờ mãi cho đến khi nào hai “cháu” diễn viên trẻ măng chúng nó (tình trong như đã mà cứ làm bộ làm tịch hoài thấy mờ ghét)…chịu cầm tay nhau khóc sụt sịt mới thỏa mãn quay về đọc mấy thứ rức đầu rức óc như cuốn Gender Troubler của Judith Butler chẳng hạn….


Linh tinh

Hội thảo Việt Nam học lần 3, ích lợi tầm vĩ mô ở đâu chưa biết, nhưng rõ ràng với bản thân em, hội thảo lần này đã “cho” em nhiều thứ. Đầu tuần, em đã nghĩ trong khi bà con hì hụi ngồi nghe tham luận thì ta sẽ ăn chơi nghỉ ngơi mấy ngày cuối tuần thật hoành tráng cho bõ cái công không tham gia hội thảo (he he he)…nhưng rốt cuộc thì mọi thứ đảo lộn hết cả.

Bắt đầu từ chiều thứ 5, lúc lặc lè vác sách ra đến cổng thì em nhận được cuốn 20 năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành do bác Hi hi he he (gọi tắt là bác Cười) gửi tặng để ở phòng Bảo vệ (cảm ơn bác một lần nữa). Sung sướng và yên chí nghĩ rằng, hội thảo Việt Nam học với em đến đây coi như cũng là trọn vẹn. Nào ngờ, buổi tối đang nằm trong chăn êm đệm ấm nghiền ngấm bài về hệ thống hành cung thời Lý thì điện thoại bắt đầu liên tiếp rung lên bần bật. Tối thứ 6, réo tiếp (có cuộc vừa nghe, tay em vừa run run, mắt em thì đẫm lệ vì…quá xúc động) . Tối thứ 7 thì là một cuộc hẹn đã đặt lịch từ trước. Ah, tối thứ 7 mới kinh dị, lúc đầu có chút ngần ngại nhưng cuối cùng em cũng đồng ý ngồi uống bia ở vỉa hè Ngã Tư quốc tế với một người lần đầu tiên gặp mặt. Như thế đã được xem là một sự phá lệ rất đáng ngạc nhiên với chính bản thân em rồi. Hơn nữa lại là uống hẳn hoi (dù chỉ 1 cốc) chứ không phải e thẹn ngồi phá mồi . Điều đáng ghi nhớ là vì đây là buổi tối đầu tiên từ khi sinh Gấu bi, em về nhà lúc đồng hồ chỉ 11h đêm. Cuộc nói chuyện ở Ngã tư quốc tế tối hôm đó cũng là một cuộc nói chuyện rất ấn tượng và khiến em nhận thấy mình còn quá trời thứ cần phải học (tự nhận thấy bản thân còn có quá nhiều điều ngu dốt), bởi vì người nói chuyện với em hôm đó sở hữu một vốn tri thức đặc biệt phong phú đồng thời cũng sở hữu luôn cả những quan điểm hết sức cực đoan…He he he…(Nhân tiện đây, em cũng xin nhắc lại là hồi lâu lâu nào đó em có nói sẽ viết một cuốn hồi ký Những người nổi tiếng đã từng uống cà phê với tôi ở vỉa hè, giờ có lẽ em nên bổ sung thêm là những người nổi tiếng đã từng uống cà phê, uống bia, uống sinh tố, uống nước chè, nước lọc, ăn bún riêu, ăn lẩu bò (hi hi hi) vân vân với tôi ở vỉa hè cho nó đầy đủ….Nói chơi vậy thôi, nhưng xét cho cùng em thấy mình đúng là rất có duyên với cái vỉa hè…Hic)

Như thế là, dù em chả định dính dáng gì đến cái hội thảo Việt Nam học lần này nhưng mấy ngày cuối tuần của em bỗng dưng vì cái hội thảo ấy mà trở thành bận rộn tung xèng. Em dự đoán chắc rằng hội thảo sẽ kết thúc thành công tốt đẹp (hội thảo nào tổ chức ở Việt Nam mà chả thành công tốt đẹp). Mà đúng là với cá nhân em, hội thảo lần này thực sự đã “thành công tốt đẹp” vượt cả mong đợi….

Còn chất lượng của hội thảo em chưa vội phải bận tâm. Thể nào rồi em chả lần ra được tập kỷ yếu hội thảo và dòm dỏ bằng được những bài tham luận hay ho mà em muốn đọc…Chuyện ý thì em lại dành để kể trong một entry khác….


Entry for December 03, 2008

Dạo này, rất thường xuyên, tôi tự hỏi : có một bà mẹ như tôi, sau này Gấu bi lớn lên sẽ như thế nào?

Có những buổi tối, đến giờ đọc sách cho Gấu bi ngủ, mẹ mệt đến nỗi không muốn nhúc nhích chỉ đủ sức vớ đại lấy một cuốn gần tay mẹ nhất, cầm lên và đọc cho Gấu nghe. Vì thế, mấy tối gần đây, cuốn Gấu phải nghe trước khi đi ngủ là cuốn Trang Tử (tại sao lại là TrangTử thì tội lỗi này lại thuộc về người khác). Mẹ chỉ đọc đại thế thôi, vì mẹ nghĩ Gấu cần giọng đọc lên bổng xuống trầm để làm tiền đề cho sự ngủ chứ Gấu mới hơn hai tuổi làm sao đã hiểu được bất cứ câu chuyện nào dù là cổ tích? Cái việc đêm trước còn đang là Chiếc xe bus bốc mùi ngớ ngần, đêm sau đã thành Cuộc phiêu lưu của Mit đặc và các bạn, vài đêm sau đó là Tam quốc diễn nghĩa (sách gối đầu giường đúng nghĩa của bố Gấu nên mẹ cứ quờ tay là thấy), vài đêm sau lại là cuốn X,Y,Z nào đó (thường là một cuốn trong bộ Sử nào đó) không biết rồi cuối cùng nó sẽ dẫn Gấu đi đến đâu? Bởi vì mẹ đau lòng nhận thấy, món đồ chơi mà Gấu thích nhất, rốt cuộc là sách. Thậm chí, có những buổi tối mẹ lặng lẽ quan sát, Gấu nằm trên giường, tay cũng cầm một cuốn sách giở đọc y như thật, và khi ngủ cứ khư khư úp cuốn sách lên ngực mà mẹ gỡ thế nào cũng không được, cho đến khi Gấu đã ngủ thật say.

Những đứa trẻ lớn lên giữa những đống sách… Nhiều đêm thức trắng làm việc, có khi bỗng dưng mẹ ngồi lặng trước máy tính với một nỗi buồn sâu sắc ập đến đột ngột. Bởi vì bản thân mẹ không tìm thấy niềm vui (đúng nghĩa) nào ngoài những cuốn sách nên mẹ cũng vô thức tạo dựng cho con một sở thích y hệt. Sự áp đặt này nguy hiểm hay không nguy hiểm?


“Trần Nhân Tông” của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (tiếp theo và hết)

CỘI NGUỒN TRIẾT HỌC CỦA TINH THẦN THIỀN NHẬP THẾ

TRẦN NHÂN TÔNG ( )

Nguyễn Kim Sơn

 

3. Bậc “ trượng phu trung hiếu” tu Thiền lạc đạo.

Sự dung hợp tư tưởng Nho Phật đã diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn hình thành Thiền Tông Trung Hoa. Phật tính luận theo kiến giải của Huệ Năng là sự dung hợp quan niệm bản thể Phật tính với Nhân tính, Tâm tính luận của Nho gia. Không phải chỉ dung hợp về nội hàm của các khái niệm, phạm trù, sự dung hợp đó còn thể hiện ở cả tính khuynh hướng và phương pháp tu dưỡng.

Nho gia là học thuyết nhập thế. Tâm tính học của Nho gia chủ trương tu tâm dưỡng tính ngay trong các quan hệ nhân tình thế tục cha con, anh em chồng vợ. Phương pháp tu dưỡng của Nho gia là hướng vào nội tâm, tự phản tỉnh, tự điều tiết. Nhà nho rất ráo riết trong phương diện truy cầu nội tâm và tự ngã tu dưỡng. Khổng tử nói: “ Vi nhân do kỷ diệc vi nhân hồ tai”; “ Cầu chư kỷ vô cầu chư ngoại”, hay “ kiến bất thiện nhi nội tự tụng”…

Quan niệm về Nhân tính là cơ sở triết học của thuyết tu dưỡng. Tu dưỡng theo Nho gia, là nhằm đạt tới sự hoàn thiện của nhân cách, trong tu dưỡng có lạc thú của sự rèn luyện và chế ước. Nho gia không hướng tới thế giới siêu việt, không có cõi giải thoát chung cục, nhưng lại cũng có một thế giới tinh thần tự lạc phong phú đủ làm thỏa mãn tinh thần con người. Lạc thú của Nho gia là lạc thú trong chính sự tu dưỡng, trong việc xử lý các quan hệ. Lạc thú của Nho gia là lạc thú trong cõi hiện thế, cõi đời thực. Họ cảm thấy lạc thú khi học được điều gì áp dụng vào thực tiễn đạo đức tu thân sửa kỷ của mình “ học nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ”, hay cảm giác tự lạc xuất hiện khi phản tỉnh nội tâm thấy không có điều gì lầm lỗi“ nội tỉnh bất cứu tắc hà ưu hà hoạn”…Sự siêu việt của Nho gia chính là một loại siêu việt đặc biệt- siêu việt nội tại, siêu việt trong chính tâm tính.

Không thể phủ nhận được, trong Phật tính luận và phép minh tâm kiến tính, truy tìm nơi mình, không tìm bên ngoài của Thiền phương Nam có sự hiện hữu của Nho gia. Nho gia tiếp nhận của Thiền học rất nhiều để hình thành nên Nho học đời Tống- Minh, cả Lý học và Tâm học, đặc biệt là Tâm học của Vương Dương Minh. Nhưng xưa nay, người ta nói nhiều tới ảnh hưởng của Phật tới Nho mà ít thấy sự ảnh hưởng của Nho tới Phật. Nho gia đã góp phần đáng kể vào việc hình thành quan niệm sự giác ngộ không tách rời con người. Bản thể Phật tính đặt giữa nhân tâm sống động bồi hồi những hỷ nộ ai lạc. Chỉ có điều, hỷ nộ ai lạc trong tâm sẽ được nhà nho làm cho hoàn toàn phù hợp với Lễ, còn Phật gia thì làm cho như nhất, sáng láng, thanh tĩnh.

Trần Nhân Tông còn tiến thêm một bước so với các vị tiền bối của Thiền tông, ông cho rằng nhân nghĩa đạo đức cũng chính là Phật, so với giữ giới hạnh, bỏ tham sân si cũng không có gì khác:

Tích nhân nghì, tu đạo đức,

Ai hay này chẳng Thích Ca.

Cầm giới hạnh, đoạn xan tham,

Chỉn thực ấy là Di Lặc. ( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ Tư)

Cái đích của tu hành là giải thoát, thành Phật, nhưng thành Phật bằng cả con đường tích nhân nghĩa, tu đạo đức thì rất độc đáo, độc đáo theo con mắt dung hợp Nho Phật của Trần Nhân Tông. Ông đặt các phạm trù, các hình mẫu của Nho gia thành các cặp song hành đối đẳng, hỗ bổ với Phật:

Sạch giới lòng, dồi giới tướng,

Nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm.

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,

Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu. ( Cư trần lạc đạo phú – Hội thứ Sáu)

Sự khôn ngoan của Thiền tông chính là không phủ nhận các phạm trù đạo đức của con người thế tục, đặt các phạm trù trung hiếu vào ngay chính con đường tu dưỡng để minh tâm kiến tính, ngộ đạo giải thoát. Nó dễ được cộng đồng những người cư sĩ tu tại gia chấp thuận và cả Phật tử bình dân không xuất gia khác cũng thấy gần gũi dễ tu. Đọc những dòng này của Trần Nhân Tông, ta mới thấy hết tinh thần khoan dung, phóng khoáng của ông. Nó khác hẳn tinh thần của một số người muốn đề cao tư tưởng Phật giáo của ông nên có phần coi nhẹ sự dung hợp tư tưởng. Đó vừa không đúng tinh thần của ông, vừa làm nghèo nàn chúng.

Cư trần lạc đạo phú là bài phú thể hiện chỉ nam của việc tu hành để chứng ngộ giải thoát, nhưng nó cũng có dáng dấp một bài thánh huấn của Nho gia, dạy dỗ giáo hóa đệ tử, chúng dân. Trần Nhân Tông khuyên đệ tử, đồng thời cũng là tự khuyến tự miễn:

Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo.

Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.

( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ Bẩy)

Như vậy, người thực hiện đạo quân thần phụ tử, thờ chúa thờ cha ngay thảo, là một thực tiễn đạo đức, thực tiễn tu dưỡng. Nó là việc của đời sống thế tục, nhưng tận đạo ấy, tâm tính cũng an nhiên tự lạc. Cái tự lạc đó đồng nhất với việc kiến tính thành Phật. Nó là sự triển khai của tinh thần nhập thế, là hiện thực hóa của cư trần lạc đạo. Nói cách khác nó lại cũng chính là tùy duyên tự lạc. Với nhân nghĩa đạo đức ấy, lại thêm chay lòng lắng dục, “thể tính an nhàn”, “muôn nghiệp đều lặng”, con người ấy có thể tùy tục:

Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;

Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa. ( Hội thứ Năm)

Thực chẳng khác gì nhà Nho ẩn dật, an bần lạc đạo với giỏ cơm, bầu nước, gối lên khuỷu tay mà nhìn phú quý tựa chiêm bao, tận hưởng thân tâm nhàn dật.

Những vấn đề của Nho gia được nói tới trong các trước tác của Trần Nhân Tông hoặc là những vấn đề của thực tiễn đạo đức rất gần gũi, thường nhật mà không phải là những vấn đề lý luận cao siêu. Nó được thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc, là những vấn đề đã qua sự chiêm nghiệm, thực hành của bản thân người viết. Nó thành lời khuyên nhủ ân cần giản dị, và đương nhiên gắn kết rất chặt chẽ với thực tiễn tu Thiền. Ở một góc độ nào đó có thể coi Trần Nhân Tông là người đầu tiên chuyển dịch Nôm những khái niệm đạo đức căn bản của Nho gia, chẳng hạn: Trung- ngay; hiếu- thảo; thiện- lành; tâm- lòng; tiến thoái- đi đỗ; tôn sư- thờ thầy

Có một vài chỗ Trần Nhân Tông đã dùng ngôn từ và cách nói của Nho gia để chuyển tải nội dung tư tưởng của Thiền, chẳng hạn trong bài tán Tuệ Trung Thượng sĩ:

Vọng chi di cao,

Toản chi di kiên.

Hốt yên tại hậu,

Chiêm chi tại tiền.

Phù thị chi vị,

Thượng sĩ chi Thiền.

( Càng ngẩng nhìn càng thấy cao,

Càng đục thấy càng cứng.

Thoắt ở đằng trước,

Bỗng lại phía sau.

Cái đó gọi là,

Bậc Thượng sĩ Thiền)

Nguyên văn của những câu chữ này trong sách Luận ngữ. Nó vốn là lời của Nhan Hồi ca ngợi Khổng tử và đạo của ông. Nó đã được Trần Nhân Tông vận dụng và đã “ hoán cốt đột thai” cho nó để ca ngợi thầy của mình. Điều đó cũng thuyết minh thêm về sự gần gũi và sự vận dụng tư tưởng và những vấn đề của Nho gia để khế hợp, hỗ trợ cho tư tưởng Thiền, và đương nhiên nó không hề mâu thuẫn trong tư tưởng của ông.

Về sự vận dụng tư tưởng của Nho gia để dẫn tải tư tưởng Thiền nhập thế, có những lý do khác thuộc về nhu cầu thực tiễn, hoạt động thực tiễn mà chúng tôi sẽ trình bày trong phần tiếp sau của bài viết.

4. Ông hoàng, nhà chính trị Phật gia – từ triết học đến thực tiễn của Thiền nhập thế

Trần Nhân Tông hòa nhập Thiền cùng nhân thế, ông đem giải thoát và hành động thực tiễn hòa làm một. Đó là một khuynh hướng hành hành động, một cách tư duy và một loại triết lý sống. Nó có cơ sở triết học sâu xa, nhưng đồng thời nó cũng là sản phẩm của sự thúc ép từ những lý do chính trị, từ nhu cầu chính trị. Những nhu cầu chính trị, thực tiễn trị quốc chính là nhân tố khiến cho những căn cội triết học có điều kiện nảy nở trong thực tiễn hành động.

Cả khi còn ngồi trên ngai vàng lẫn khi đã xuất gia sống đời sống tu hành, Trần Nhân Tông luôn quan tâm tới chính trị, tới lợi ích dân tộc, lợi ích của hoàng tộc. Ở nơi ông, con người của tôn giáo và nhà đại quý tộc chưa từng tách rời nhau. Nó chính là sự kết hợp giữa chính trị và tôn giáo, giữa tôn giáo và vấn đề dân tộc. Vị giáo chủ không chính thức, ông hoàng, nhà dân tộc chủ nghĩa hợp làm một. Điều này cũng không có gì thực đặc biệt. Các ông vua Nho giáo đời sau vừa làm vua trên phương diện chính trị, vừa lo tế Khổng, tế Giao, phong cho các thần như một giáo chủ thực thụ. Các nhà quý tộc từ Đông tới Tây đều là những người vừa nắm quyền lực chính trị, vừa thực hành các lễ nghi tôn giáo, vừa đảm nhiệm chỉ huy quân đội, lo việc võ bị với tinh thần tự nhiệm, tự trọng sâu sắc. Thể chế quý tộc và tinh thần thượng võ, tự trọng, tự nhiệm của các vua, các lãnh chúa đời Trần cần nhìn nhận trong một cơ chế thống nhất. Điều này cũng có thể dùng để giải thích nhiều điều về tư tưởng và hành động của Trần Nhân Tông. Rời bỏ ngai vàng đi tu,
ông muốn tìm sự thỏa mãn của nhu cầu tâm linh, nhu cầu giải thoát, tìm lạc thú cá nhân. Nhưng với ý thức gốc rất mạnh mẽ về sứ mệnh của quý tộc và lợi ích dòng họ, ý thức dân tộc, ông không chỉ tím sự giải thoát cho riêng mình. Trần Nhân Tông trong thực tế đã rất tích cực trong việc hoằng dương Phật pháp, súc tiến sự ra đời của một dòng Thiền Việt và một tổ chức có dáng dấp một giáo hội Phật giáo trong cả nước.Ông hành động vừa vì lý tưởng tu hành, nó được giáo lý Phật giáo khuyến khích, nhưng đồng thời nó lại phục vụ đắc lực cho việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, cố kết nhân tâm. Ông làm điều này rất có kết quả vì người dân nhìn ông với tư cách Phật tử, tín đồ với vị cao tăng, nhưng đồng thời ở đó vẫn có cái nhìn của thần dân với ông vua. Khi ông phát ngôn và hành xử trong lĩnh vực tu hành, người ta vẫn thấy cái uy của ông hoàng. Khi nghĩ về ông với tư cách ông hoàng, người ta lại có cái tôn kính tin tưởng của đệ tử, tín đồ với bậc cao tăng đắc đạo.

Đời Trần đem Phật giáo làm quốc giáo, đó là một hoạt động có chủ đích, nó có tác dụng đề cao vương triều, củng cố ngai vàng và uy tín của dòng tộc. Nhưng chính nhiều vấn đề cũng phát sinh từ đó. Nó không phải không có mâu thuẫn. Khi Trần Nhân Tông khuyên sĩ dân bỏ tham dục, tránh sát sinh, trau dồi thiện tâm, điều đó là đương nhiên của nhà tu hành. Nhưng ông lại không thể chỉ khuyên họ biết có Phật, biết có xuất gia cấu chứng ngộ giải thoát. Lý thuyết về sự bình đẳng , xóa đi mọi sự phân biệt đẳng cấp, ngã nhĩ…của Phật giáo không phải lúc nào cũng nói cho xuôi được với tất cả mọi người. Ngoài Phật còn có vua, ngoài bình đẳng còn có tôn ty, có nghĩa quân thầm, có trách nhiệm thần dân với triều đình với quốc gia. Thành ra ông vừa phải khuyến giới, tự khuyến tự miễn mọi người gắng gỏi để thành bậc Bồ tát trang nghiêm lại vừa khuyên trở thành đấng Trượng phu trung hiếu, vừa lưu ý họ về Đức Phật, lại vẫn phải lưu ý còn có vua, có cha mẹ, có tôn ty trong cuộc sống. Đem tư tưởng Phật giáo để củng cố triều đại, kiến tạo khối đoàn kết dân tộc, chăm lo nhân tâm, Trần Nhân Tông thực chất đã phải làm công việc giáo hóa dân, giáo hóa bằng tư tưởng Phật giáo chứ không phải gì khác. Điều đó khiến ông phải cân nhắc tìm ở đó những gì có thể để cái cao siêu của Thiền không xa cách với cuộc đời. Để giải quyết điều đó tư tưởng Nho gia là hướng bù đắp tốt nhất. Loại tri thức này đã từng được dạy cho các hoàng tử từ thời còn trẻ, nó đã thành tư tưởng chính trị, công cụ để các thiền sư đời Lý đời Trần đi vào triều đình, vào cuộc đời. Làm chính trị không thể chỉ trông chờ ở kinh sách Phật giáo dẫu phong phú sâu sắc bao nhiêu. Tư tưởng Nho gia là một sự bổ sung và cũng là một con đường tạo ra tinh thần tự lạc giữa cuộc đời của Thiền đời Trần. Lợi ích dân tộc và hoàng tộc là sự thúc ép thiền sư Trần Nhân Tông hành động, vừa hoằng pháp vừa, giác ngã, giác tha, vừa lo toan viễn kế cho dân tộc.

Đôi điều tâm đắc -thay lời kết

Tinh thần nhập thế và cư trần lạc đạo của Thiền học Trần Nhân Tông tuy gần nhau và có nhiều điểm giao thoa, xuất nhập, nhưng thực chất không phải là một. Tinh thần nhập thế chỉ tính khuynh hướng của cả tư tưởng và hành động, nó vừa thuộc tư tưởng Thiền vừa là hoạt động thực tiễn của con người trước những yêu cầu đa dạng của cuộc sống. Cư trần lạc đạo là chỉ một cảnh giới tinh thần, một phương pháp tu luyện. Trần Nhân Tông nói nhiều tới cái lạc thú ở cõi trần, vẫn vui với đạo, nhưng cư trần ở đây là phân biệt với cõi siêu việt. Người ta còn sống là còn cư trần. Ngay khi đã vào núi tu khổ hạnh, đó vẫn là cảnh giới cư trần. Trần Nhân Tông nói tới cư trần lạc đạo trên cơ sở nền tảng Phật học vững chắc, một quá trình tu luyện công phu, nội lực mạnh mẽ và trí huệ thượng thặng. Cũng có thể dùng lời ngợi ca Tuệ Trung Thượng sĩ để nói về ông: “ Pháp hải độc nhãn; Thiền lâm tam giác”. Ông thung dung trong Thiền thú, dấn thân vào đời, hoằng pháp với cái Thiền lý sung mãn. Ta còn nhớ lời Tuệ Trung Thượng sĩ dặn dò kín đáo Trần Nhân Tông rằng, tự pháp mà ông trao không thể nói cho kẻ phàm nhân được. Vì sao vậy? Triết lý của thầy trò họ giản dị, chan chứa nhân tình, nhưng cũng rất cao sâu, đi mãi không cùng. Kẻ phàm dễ hiểu lầm mà sinh ra xằng bậy. Giữa cư trần lạc đạo của kẻ đắc pháp với cái tùy tục vô nguyên tắc, đem cái lòng tục hòa với cái tục của đời, cách biệt nghìn trùng nhưng lại cũng gần trong gang tấc. Hiểu đúng đạo của đấng Giác Hoàng mà noi theo, thì tịnh tiến không ngừng trong Thiền hải, lại có thể đem tấm lòng Bồ tát cứu thế mà sửa trị, dẫn dắt nhân tâm con người trong thời vị lợi cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Nhưng nếu hiểu sai, hoặc cố ý hiểu sai, thì trước hết đắc tội với tiền nhân, sau lại nặng nề thêm nghiệp.

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc;,

Sơn lâm chẳng cốc( biết), họa kia thực cả đồ( uổng) công.

Đọc lại lời xưa thấy văng vẳng, bồi hồi.

Hà Nội, thu vãn, năm Mậu Tý

Tại lậu xá Mỹ Đình


Luận ngữ
cuốn sách ghi lại ngôn từ của Khổng tử và những đối thoại của ngài với học trò.

Nhan Hồi cảm thán về Đạo của thầy: “ ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu, dục bãi bất năng, ký kiệt ngô tài nhi hữu sở lập trác nhĩ” (Càng ngẩng trông càng thấy cao, càng đẽo càng thấy cứng, vừa thấy trước mặt, bỗng lại thấy sau lưng, muốn bỏ cũng không thể được, ta đã vận dụng hết tài trí của ta mà như vẫn có bức tướng sừng sững trước mặt không thể vượt qua được ). Luận ngữ- Nhan Uyên.


“Trần Nhân Tông” của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn

Đôi lời của quachhiennb: Hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn đang diễn ra ở Yên Tử. Cho dù không đi dự hội thảo nhưng cả ngày hôm nay, từ sáng đến tối, từ cà phê vỉa hè cho tới sinh tố trong nhà, từ lúc còn ở cơ quan cho đến tận trước khi ru Gấu bi ngủ tôi đã được nghe rất nhiều ý kiến khác nhau về Trần Nhân Tông, những ý kiến trái nhau kịch liệt, đảm bảo hay hơn cãi nhau trong hội thảo nhiều.

Tôi đã xin phép PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đưa nguyên văn tham luận trong hội thảo Trần Nhân Tông lần này của Thầy lên blog, đồng thời cũng xem như đây là một phần câu trả lời của tôi cho câu hỏi của một bạn về “thất tình lục dục” trong Tam giáo…Trong bài tham luận này Thầy Nguyễn Kim Sơn đã lí giải về chữ “lạc” trong Tam giáoXin lưu ý: Nếu ai trích dẫn, đăng lại hoặc sử dụng bất cứ một luận điểm nào trong bài viết này, cảm phiền trích dẫn nguồn đầy đủ.

CỘI NGUỒN TRIẾT HỌC CỦA TINH THẦN THIỀN NHẬP THẾ

TRẦN NHÂN TÔNG ( )

Nguyễn Kim Sơn[1]

Từ then chốt: Phật tính; tam giáo; bất nhị; hòa quang đồng trần; lạc đạo, nhập thế. ( 佛性; 教; 不二; 和光 尘; 乐道; )

Tư tưởng Thiền của Trần Nhân Tông là tư tưởng Thiền nhập thế. Đây cũng là đặc điểm chung của tư tưởng các vị tiền bối của ông như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung. Điều này đã được học giới cơ bản thống nhất công nhận. Tinh thần nhập thế đó thể hiện rõ ràng trong cả hành trạng, ứng xử, các lời thuyết giảng, thảo luận và trong thơ văn của Trần Nhân Tông. Điều này cũng từng được nhiều người nói tới và đề cập trong các công trình nghiên cứu. Người viết bài này tán thành với các nhận định về khuynh hướng nhập thế trong tư tưởng Thiền Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là, hầu như chưa có công trình nào tập trung lý giải một cách tường tận về nguồn gốc tư tưởng, những lý do thực tiễn, những căn nguyên hay nói theo cách của Phật học là những duyên khởi của tinh thần nhập thế trong tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng có một vài ý kiến động chạm tới vấn đề này, thì lại quá nhấn mạnh tới yếu tố tinh thần thời đại, khí thế dân tộc và cho đó là căn nguyên của tinh thần nhập thế. Vấn đề hầu còn bỏ ngỏ đó là đối tượng và hứng thú cho người viết thực hiện sự thảo luận nhỏ này.

Tính khuynh hướng của một trường phái triết học, một giáo phái hay cách ứng xử của một cá nhân, một nhóm xã hội bị quy định bởi rất nhiều nhân tố. Nó thường là một tổng thể phức tạp, đan xen hữu cơ. Tách bạch một vài nhân tố và coi đó là nguyên nhân của các khuynh hướng thực khó có thể lột tả được đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên nó vẫn là việc không thể không làm. Theo quan điểm của người viết, tinh thần nhập thế, khuynh hướng nhập thế hay tư tưởng nhập thế của Thiền học Trần Nhân Tông cần được nhìn nhận từ hai phương diện, một là những căn cội triết học và hai là cơ sở thực tiễn, những lý do thực tiễn. Bài viết này tập trung thảo luận về những căn cội triết học, nền tảng triết học của tinh thần Thiền nhập thế Trần Nhân Tông.

Có thể nhìn một cách tổng quan về căn cội triết học của tinh thần nhập thế, mà nói theo cách của chính Trần Nhân Tông, là “cư trần lạc đạo”, đó là một hệ thống với Phật tính luận, phương pháp tu luyện, con đường giác ngộ của Thiền Tông, đặc biệt là Thiền Huệ Năng làm trục tâm. Trên cơ sở đó, nó kết hợp với tư tưởng Hòa quang đồng trần trong triết học Lão tử, tư tưởng Vô sở đãi tùy tục trong tư tưởng Trang tử, và đương nhiên không thể thiếu tư tưởng lạc đạo của Nho gia. Xét về cơ cấu nó là sự hội nhập triết học và phương pháp tu dưỡ
ng, cảnh giới tinh thần của cả Tam giáo, lấy Thiền làm cơ sở để tiến hành hội nhập. Nhìn tư tưởng Thiền đời Trần trong thế hợp nhất của Tam giáo cũng không phải điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, họ đã lấy những gì của Tam giáo, dung hợp là dung hợp cụ thể của những gì thì hầu như chưa được công trình nào đề cập cụ thể. Mặt khác, khi nói tới dung hợp Tam giáo, nhiền người nhìn thấy nó là một thực tế tư tưởng không thể nói khác, nhưng khi phân tích thì hoặc để cao Phật giáo, hoặc đề cao cực đoan tư tưởng dân tộc mà coi tư tưởng Nho, Đạo như những thứ làm giảm giá trị tư tưởng của Trần Nhân Tông. Họ đã bỏ qua một điêu, chính các tư tưởng gia đời Trần không hề coi nhẹ Nho gia và Đạo gia. Họ thực sự thung dung thoải mái trong sự dung hợp Tam giáo, đó mới chính là đặc sắc của họ.

Sự khái quát này không phải từ một đoán định mang tính tư biện mà xuất phát từ thao tác phân tích đối với chính những gì Trần Nhân Tông đã nói, đã thể hiện trong các tư liệu văn hiến có liên quan.

1. Bụt ở trong nhà -trục tâm của tư tưởng

Trước hết, ta đọc kỹ lại chính những gì Trần Nhân Tông đã viết, tự nói về con đường tu hành của mình. Mọi người đều biết ông là đệ tử của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi nói về Tuệ Trung, Trần Nhân Tông hầu như không tiếc lời nào để ca ngợi. Ngoài sự quý mến theo tình sư đệ thông thường, ông ca ngợi Tuệ Trung về tư tưởng, về con đường tu hành, chứng ngộ. Tuệ Trung Thượng Sĩ có cái đặc sắc trong tư tưởng để truyền thừa và nó là bí truyền của Thiền phái. Trong sự ca ngợi ấy biểu lộ rất rõ ràng rằng, ông được nhận một thứ, có thể coi là Tâm ấn từ Tuệ Trung. Trong bài Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông kể lại quá trình ông tiếp cận Tuệ Trung, sau nhiều lần thăm dò, đối thoại suy ngẫn, Trần Nhân Tông mới thực sự nhận thấy Tuệ Trung Thiền phong cao vọi. Ông kể: “ nhất nhật thỉnh vấn bản phận tông chỉ. Thượng sĩ ứng vân: Phản quan tự kỷ bản phận sự; bất tòng tha đắc(反观 自己 本分事, 从他得). Ngã khoát nhiên đắc cá nhập lộ. Nãi khu y sự sư yên.” [2]( Thượng sĩ hành trạng) ( Một hôm, ta xin hỏi ( Tuệ Trung ) về tông chỉ mà bản thân cần theo. Thượng sĩ đáp: Quay nhìn vào bản thân mình chính là việc cần làm, không nên tìm kiếm ở đâu khác. Ta bỗng nhiên ngộ được con đường cần đi, bèn bái làm sư phụ). Cái tâm ấn mà họ truyền cho nhau chính là phản quan tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc. Việc cần phải làm, tức con đường để đạt tới giác ngộ, chính là quay nhìn vào bản thân mình, tìm kiếm chính ở nơi mình mà không phải ở nơi nào khác. Cái đó là “ pháp hải độc nhãn” ( Biển pháp duy nhất cách nhìn) [3] của Tuệ Trung Thượng sĩ đem trao cho Trần Nhân Tông. Thiền gia thường nói “ Khổ hải vô nhai, hồi đầu thị ngạn”, ( Khổ hải không có bờ bến, quay nhìn vào tâm mình, đó chính là bến). Hai chữ Hồi đầu thực là đại tông chỉ của người tu Thiền. Đấy cũng chính là Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch [4]( trong nhà có của quý cần gì phải tìm kiếm ở đâu khác) theo cách nói của Trần Nhân Tông.

Nhìn lại tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông, ta thấy những biểu thị rất sinh động của tinh thần hướng nội vào bản tâm để truy cầu sự giải thoát. Đó là sự thể ngộ trong thực tế tu hành phương pháp chứng ngộ trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành phật do Bồ Đề Lạt Ma, tổ sư của Thiền Tông đúc kết. Của quý trong nhà mà Trần Nhân Tông kiên trì tìm kiếm và đã thấy, đã an lạc trong đó không gì khác chính là Phật tính. Phật tính có trong tâm của tất cả mọi người. Phật tính là vấn đề hạt nhân của Phật giáo. Nó chỉ tính khả năng để thành Phật. Phật, trong Phật giáo đại thừa là một bản thể. Bản thể Phật tính trong Phật giáo Ấn Độ là một bản thể trừu tượng, bản thể siêu việt. Trong quá trình tiếp biến với văn hóa và mô thức tư duy của Trung Quốc, bản thể Phật tính dung hợp với nhân tính tâm tính và định hướng tu dưỡng “ cầu chư kỷ vô cầu chư ngoại”[5] (truy cầu ở nơi bản thân mình, không truy cầu ở nơi ngoài mình) theo quan niệm của Nho gia. Nó vẫn là bản thể Phật tính, nhưng trong cách cảm nhận và tư duy c
a người Trung Quốc, Phật tính chuyển dần từ bản thể trừu tượng, siêu việt sang vừa là bản thể siêu việt lại vừa là thực thể tinh thần nội tại. Nó được diễn đạt và cảm nhận theo cách của Nho gia. Nó hình thành nên con đường hướng nội kiến tính, trực chỉ nhân tâm.

Trong Đàn kinh[6]Huệ Năng đưa ra mệnh đề rất quan trọng tức tâm tức Phật ( tạm dịch là Tâm đấy chính là Phật đấy). Ông chỉ rõ nhất thiết chúng sinh và chư Phật đều quy kết ở một điểm chung, đó là “ Tự tâm”:

Thính ngô thuyết pháp, nhữ đẳng chư nhân, Tự tâm thị Phật, cánh mạc hồ nghi, ngoại vô nhất vật nhi năng kiến lập, giai thị bản tâm sinh vạn chủng pháp. Cố kinh vân: tâm sinh chủng chủng pháp sinh, tâm diệt chủng chủng pháp diệt.

Ngô kim giáo nhữ, thức tự tâm chúng sinh, kiến tự tâm Phật tính.

Nhữ kim đương tín, Phật tri kiến giả, chỉ nhữ Tự tâm, tiện vô biệt Phật…ngô diệc khuyến nhất thiết nhân, vu tự tâm trung thường khai Phật chi tri kiến.

Cố tri vạn pháp, tận tại Tự tâm.”[7]

(Các ngươi nghe ta thuyết pháp, Tự tâm chính là Phật, sao lại còn hồ nghi, ngoài tâm ra thì không có vật nào kiến lập cả, bản tâm sinh vạn pháp. Cho nên mới nói: Tâm sinh vận pháp sinh, Tâm diệt vạn pháp diệt.

Nay ta dạy các ngươi, biết tự tâm chúng sinh, thấy tự tâm Phật tính.

Các ngươi nay nên tin rằng, thấy biết Phật, chỉ là tự tâm, ngoài ra không có Phật nào khác…Ta cũng khuyên tất thảy mọi người, tự trong tâm mình thường khai mở tri kiến Phật. Cho nên, biết về vạn pháp, tất thảy đều ở Tự tâm).

Tâm mà Huệ Năng nói tới là Tâm của con người sống động và cụ thể. Phật tính tồn tại tự trong Tâm, tức tâm tức Phật. Ngoài Tâm ra không có Phật nào hết [8]. Ông lại nói:

Bồ đề chỉ hướng tâm giác, hà lao hướng ngoại cầu huyền? thính thuyết ỷ thử tu hành, Tây phương chỉ tại nhãn tiền. Cố tri, nhất thiết vạn pháp, tận tại tự thân chi trung, hà bất vu tự tâm đốn hiện chân như bản tính? Phật thị tự tính, mạc hướng thân ngoại cầu. Tự quy y Phật, bất ngôn quy ỷ tha Phật. Tự tính bất quy, vô sở ỷ xứ.”[9]( Bồ đề chính chỉ hướng giác ngộ ở nơi tâm, sao lại nhọc nhằn đi cầu điều huyền hư ở bên ngoài? Dựa theo điều này mà tu hành, Tây phương ở ngay trước mắt. Cho nên cần biết, vạn pháp tất thảy đều ở trong tự thân ta, sao chẳng quay về tự tâm đốn hiện chân như bản tính? Phật chính là Tự tính, chớ hướng ra ngoài thân mà truy cầu. Tự quay về quy y Phật nơi mình, không nói quy y Phật nào khác. Tự tính không quy, sẽ không có chỗ nào mà dựa hết).

Huệ Năng đã đem Phật tính hay Tâm thể trừu tượng trong Phật giáo Ấn Độ chuyển thành một loại tôn giáo nội tại, chuyển từ sùng bái Phật ngoại tại sang sùng bái chính bản tâm của mình. Phật tính cũng là Nhân tính, Nhân tính cũng là Phật tính, do đó kiến tính, tri tính, minh tâm kiến tính chính là con đường giải thoát, con đường giác ngộ thành Phật. Điều này có thể giải thích được nguồn cội sâu xa của tinh thần tự tín, tự lập, tự cường cực mạnh mẽ ở Tuệ Trung Thượng sĩ cũng như ở Trần Nhân Tông.

Từ quan niệm về Phật tính như trên, Thiền Huệ Năng đã mở ra một đường hướng tu hành, đường hướng giác ngộ cho số đông. Những người có thể biết chữ có thể không biết chữ, có thể xuất gia, có thể không xuất gia, ai có thể quay về với bản tâm tự tại thanh tĩnh của mình, có thể diệt vọng niệm, loại thi phi… là có thể kiến tính thành Phật. Mọi công việc đời thường và công việc tu hành không phân biệt. Bổ củi, gánh nước đều là diệu đạo. Và cũng do nhân tính và Phật tính hợp làm một, nên Phật tính cũng không tách rời nhận thức cảm tính bình thường. Quan niệm về Phật tính và phương pháp tu hành minh tâm kiến tính là hai vấn đề không thể tách rời. Phật tính luận là tiều đề triết học, cơ sở triết học, còn minh tâm kiến tính là phương pháp tu dưỡng. Chính đặc sắc này đã tạo ra cho Thiền Tông nói chung và Thiền Trần Nhân Tông tinh thần nhập thế, tinh thần “ cư trần lạc đạo”.

Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông đều là Thiền sư, điều này tự Trần Nhân Tông cũng đã nói rõ, chúng ta không cần phải bàn thêm về điều này. Gốc rễ xa xôi tư tưởng của Trần Nhân Tông là Thiền Huệ Năng cũng là điều nhiều người công nhận. Cái đặc sắc của Trần Nhân Tông chính là sự đúc rút và thể ngộ của một thực tiễn tu hành. Ông chứng ngộ trong thực tiễn con đường tu tâm một cách phù hợp với bản thân ông và người Việt đương thời. Điều mà Quốc sư Phù Vân nói với Trần Thái Tông : “ Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng, lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật”[10], hay như điều mà Trần Nhân Tông nói : “ gia trung hữu bảo hưu tầm mịch; Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”, thực chất là sự thể nghiệm và truyền thừa tư tưởng cốt lõi Thiền Tông. Cả chiều hướng nội về Tự tâm, kiến tính và đối cảnh vô tâm đều tạo cơ sở cho tinh thần nhập thế, có được lạc thú giữa đời thường. Nó là một loại lạc thú mang tính tôn giáo. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ “ Đối cảnh vô tâm”. Khi tâm đạt tới thanh tĩnh, mà thanh tĩnh vốn là bản tính của tâm, thì vạn pháp không sinh, vạn pháp không diệt. Cảnh không làm động tâm, tâm không làm động cảnh. Ở trần mà không còn tâm danh lợi, ở trần mà thị phi sạch làu, ở trần mà động niệm không khởi…Đó là nhập thế mà không còn thế, trong nhập thế có xuất thế, xuất thế ngay trong cuộc đời.

Đọc lại bài Cư trần lạc đạo phú, đúng như đầu đề của nó, toàn bài phú diễn tả một cách sinh động rất nhiều phương diện của đời sống tu hành, với những lạc thú tinh thần trong cõi tục, trong đó tư tưởng Phật tính tự tâm và phương pháp tu tâm là trục xuyên suốt và kết nối. Ông nói:

Nếu mà cốc ( biết),

Tội ắt đã không.

Phép học lại thông,

Gìn tính sáng, mựa ( chớ) lạc tà đạo.

Thửa ( biết) mình học, cho phải chính tông,

Chỉn( chỉ) Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ.( Hội thứ Ba)

“ Gìn tính sáng”, “ Bụt là lòng”, thực chất là nói chuyện Minh tâm kiến tính, tức tâm tức Phật. Lại nói:

Vậy mới hay!

Bụt ở cong ( trong) nhà.

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuấy bổn( quên gốc) nên ta tìm Bụt;

Đến cốc ( biết)hay chỉ Bụt là ta. ( Hội thứ 5)

Đó vẫn là tư tưởng Phật tại tâm, tức tâm tức Phật. Hay chuyện tâm bản thanh tĩnh, minh tâm kiến tính được ông thông diễn Nôm rất thành công : “Dồi cho vằng vặc tính gương, Nào có nhuốm căn trần huyên náo” ( Hội thứ 6). Vẫn những tư tưởng quan trọng trên được diễn tả bằng nhiều những cách thức hình ảnh khác, nhưng tựu trung tâm là những vấn đề ấy:

Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi,

Nội tự tại kinhLòng hằng đọc.

Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài,

Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiền phen lựa lọc. ( Hội thứ 8).

Cái Phật tâm thanh tĩnh sáng láng được người nghệ sĩ Trần Nhân Tông thể hiện một cách hình tượng hơn, tươi tắn hơn trong những bài thơ khác, chẳng hạn bài Sơn phòng mạn hứng(I):

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

Hoa tận, vũ tình sơn tịch tịch,

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

( Niệm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,

Tâm danh lợi lạnh đi cùng trận mưa đêm.

Hoa rụng hết, mưa tạnh núi tịch mịch,

Một tiếng chim kêu báo một mùa xuân nữa lại qua.)

Cái tâm đã không còn thị phi, danh lợi, cái tâm tịch mịch đó chính là cơ sở để an lạc giữa cõi trần. Rõ ràng chính Phật tính luận và phương pháp tu Thiền theo cách minh tâm kiến tính, đốn ngộ thành Phật là cơ sở triết học quan trọng nhất của tinh thần cư trần lạc đạo, tinh thần nhập thế của Thiền học Trần Nhân Tông.

2. Vô sở đãi và tùy duyên tùy tục- người dật sĩ tiêu dao giữa cõi trần

Như trên đã trình bày, thái độ nhập thế, cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông cần được nhìn nhận là một thể phức hợp tư tưởng, nó có yếu tố trục tâm và các phương quy chiếu, hội tụ khác. Triết học nhân sinh của Đạo gia có mặt một cách khá đậm nét và là một cách “ nói hộ” cho nhiều tư tưởng Thiền.

Cũng trong bài Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông viết về người thầy của mình: “ Hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngỗ, cố năng thiệu long pháp chủng…”( Thượng sĩ hòa ánh sáng cùng đời, chưa từng trái vật, cho nên đã hoằng dương Phật pháp). Tuệ Trung Thượng sĩ từng đắc pháp với Thiền sư Tiêu Dao ( một pháp danh khiến người ta nghĩ tới Trang tử hơn là mạch truyền thừa của Thiền Tông), lại “ nhật dĩ Thiền duyệt vi lạc”[11]( ngày ngày lấy lạc đạo Thiền làm vui). Có thể diễn đạt lại những thông tin mà Trần Nhân Tông nói ở trên về sự nghiệp tu hành của Thượng sĩ là: hòa quang đồng trần, tiêu dao tề vật, không phân biệt ta và vật, ngày ngày tràn ngập lạc thú trong việc tu Thiền, và cũng chính bằng cách đó ông phù trì mở mang được Phật pháp. Nhận xét đó là Trần Nhân Tông nói về sư phụ, nhưng nó cũng là đắc pháp của chính ông. Một vài tinh thần quan trọng của Đạo gia được vận dụng, vừa là sự bổ sung tư tưởng, vừa là một cách nói cho Thiền.

Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần 其光 其尘[12] là một đặc sắc tư tưởng của Lão tử. Lão tử nêu quan điểm hòa quang đồng trần để giải thích về lẽ Huyền đồng(玄同). Vương Bật chú là: “ Không có chỗ nào đặc biệt vinh hiển, thì vật không có chỗ nào tranh nhau; Không có chỗ nào đặc biệt ty tiện, thì vật không có chỗ nào thẹn无所特显,则物无所偏争也;无所特贱,则物无所偏耻也”). Ngô Trừng chú là: “Hòa, cũng là Bình vậy, biểu thị ý nén mà giấu đi; Đồng, là để nói bình đẳng mà không có chỗ nào khác. Gương vì bụi mà không sáng, phàm đã sáng thì tất có mờ tối, cho nên trước hãy tự giấu ánh sáng đi để hoà cùng với bụi kia, không muốn thể hiện cái sáng của mình, như vậy thì trước sau không bao giờ bị mờ tối和,犹平也,掩抑之意;同,谓齐等而与之不异也。镜受尘者不光,凡光者终必暗,故先自掩其光以同乎彼之尘,不欲其光也,则亦终无暗之时矣). Người đời sau dùng “ Hòa quang đồng trần” để chỉ triết lý sống nổi chìm cùng thế tục, tùy tục tùy thời hành xử, không để lộ ra một sự khác biệt hay đặc biệt nào. Trong cách nói của Trần Nhân Tông- Hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngỗ, cố năng thiệu long pháp chủng, ta có thể nhận thấy nó vừa mang nghĩa tùy tục tùy thời hành xử, đồng thời ở tầng thừ triết học, nó cũng để chỉ cả tinh thần bình đẳng, bất nhị, tề vật, một tư tưởng quan trọng ở Thượng sĩ. Những tư tưởng ấy của Thượng sĩ cũng ảnh hưởng và thể hiện sinh động trong tư tưởng của Trần Nhân Tông.

Như trên đã trình bày, trong sự tu tâm để giác ngộ kiến tính, “Dồi cho vặc vặc tính gương; Nào có nhuốm căn trần huyên náo”, đương nhiên là chính đạo để hành. Tâm đã sáng như gương, căn trần huyên náo không thể vướng bận. Giữ Tâm sáng, mà là thực sáng thì không gì làm mờ được, có cái đó có thể giữa cõi trần mà lạc đạo được. Nhưng giữ cho gương luôn sáng thì giấu cái sáng đi để hòa cùng bụi kia cũng là thêm một cách. Nó là “ Phật- Đạo hỗ bổ”( Phật Đạo bổ sung cho nhau). Tinh thần Hòa quang đồng trần vừa giải thích rõ thêm phương pháp minh tâm, nhưng cũng là gợi ý về con đường nhập thế, cách sống nổi chìm cùng thế gian. Cư trần lạc đạo phú có nhưng đoạn đầy ắp tinh thần Đạo gia:

Say đạo đức, dời thân tâm,

Định nên thánh trí

Mày ngang mũi dọc,

Tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau(Hội thứ Mười).

Đây chính là nhắc tới tinh thần tọa vongtâm trai để đạt tới tề vật, vô sở đãi của Trang tử. Các thiên Tiêu dao duTề vật luận trong sách Trang tử tập trung thảo luận về vấn đề căn cội khiến con người không mất tự do. Con người sở dĩ bị trói buộc tinh thần chính do thái độ phân biệt tốt xấu, thiện ác, bỉ thử, nhân ngã, giàu nghèo, tâm vật…tức là : Đãi. Muốn đạt tới tự do tiêu dao tuyệt đối, người ta cần loại bỏ chấp đãi, đạt tới Vô sở đãi . Vô sở đãi là dạng chân thể Một duy nhất của đạo, đó là dạng độc nhất mà vô nhị của vận vật. Nhân cách lý tưởng của Trang tử là : “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh至人无己,神人无功,圣人无名, cả ba cái đó thực chất là vô sở đãi, là bất nhị, không phân biệt. Trang tử hướng tới cái tự do tiêu dao tuyệt đối, sống hòa làm một với đạo, tức sống theo chân thể, sống theo bản tính. Đó là xét về mặt triết lý, còn phương châm sống thực tế, Trang tử chủ trương sống thuận tự nhiên, sống theo bản tính tự nhiên, sống tùy tục, không cố gắng làm trái, làm khác, đáng làm gì thì làm cái đó theo lẽ tự nhiên, an theo thời xử theo thuận.

Trần Nhân Tông nói Cư trần lạc đạo thả tùy duyên; Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Về chữ nghĩa, tùy duyên là chữ nhà Phật, nhưng sống tùy duyên, đói ăn, mệt ngủ mà tìm lạc thú trong chính cái tùy duyên đó thì nó cũng lại là Trang, mà chất Trang là nhiều. Đó chính là đem tư tưởng tùy tục an thời xử thuận của Trang tử để diễn tả triết lý nhậm vận tùy duyên. Trần Nhân Tông cũng nói rõ ông chẳng khác nào dật sĩ tiêu dao:

Ai ghẻ ( chia rẽ, phân biệt) có sơn lâm thành thị,

Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao.

Chiền vắng am thanh,

Chỉn thực cảnh đạo nhân du hý. ( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ Mười)

Không có sự phân biệt nào giữa sơn lâm hay thành thị, rừng hoang hay chùa vắng, đạo nhân, dật sĩ hay Thiền sư. Tất cả đều tùy duyên mà lạc đạo giữa cõi trần.

Có rất nhiều cách nói, điển cố trong sách Trang tử được Trần Nhân Tông dùng, hoặc tái tạo để diễn tả những trạng thái tinh thần và hành động của đời sống tu Thiền, chẳng hạn:

Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà Hữu[13];

Kinh xem ba biến, ngồi ngơi mái quốc Tân la. ( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ 5)

Hay:

Địch chăng có lỗ[14],

Cũng bấm chơi xướng thái bình ca. .( Cư trần lạc đạo phú- Hội thứ 5)

Còn trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Trần Nhân Tông thể hiện tinh thần phóng khoáng, tự do tiêu dao không khác gì dật sĩ tu đạo, dưỡng chân.

Công danh chẳng trọng,

Phú quý chẳng màng.

Tần Hán xưa kia,

Xem đà hèn hạ.

Yên bề phận khó,

Kiếm chốn dưỡng thân.

Khuất tịch non cao,

Náu mình sơn dã.

Vượn mừng hủ hỉ,

Làm bạn cùng ta.

Vắng vẻ ngàn kia,

Thân lòng hỷ xả.

Thanh nhàn vô sự,

Quét tước đài hoa

Đọc những bài phú Nôm của các nhà Nho ẩn dật chốn lâm tuyền hay nơi thôn dã ta cũng đều thấy hình ảnh con người nhiệm tự nhiên, thiên tính bất biến, an nhiên tự lạc như vậy.

Chính tư tưởng hòa quang đồng trần, vô đãi, bất nhị vật, tiêu dao tùy tục an nhiên tự đắc của tư tưởng Lão Trang đã góp phần tạo nên căn cơ triết học cho tư tưởng phàm thánh bất nhị, nhậm vận tùy duyên, cư trần lạc đạo của cả dòng Thiền đời Trần nói chung và Thiền học của Trần Nhân Tông nói riêng. Một chữ Lạc của Trần Nhân Tông có sự góp mặt của cả Tam gia- Nho, Phật, Đạo.


[1] PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

2 Thượng sĩ hành trạng

[3] Thượng sĩ hành trạng- Kệ tán Tuệ Trung Thượng Sĩ

[4] Cư trần lạc đạo phú– Kệ yết hậu

[5] Khổng tử- Luận ngữ

[6] Đàn kinh…

[7] Đàn kinh

[8] Chúng ta thấy trong tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông đều nhấn mạnh, tư tưởng: T
âm sinh vạn pháp sinh; Tâm diệt vạn pháp diệt.

[9] Đàn kinh

[10] Trần Thái Tông-Khóa hư lục

[11] Thượng sĩ hành trạng

[12] Câu này xuất xứ ở chương thứ 56 sách Lão tử. , “挫其锐解其忿,和其光,同其尘,是谓玄同Tỏa kỳ nhụệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần, thị vị huyền đồng.

[13] Quê Hà Hữu, trong thiên Tiêu Dao du, Trang tử nói tới địa danh Vô hà hữu chi hương, làng không nơi nào, để chỉ nơi trồng cây Vu, cây Lịch cao mấy vạn dặm và hưởng hết tuổi trời.

[14] Cũng thiên Tiêu Dao du, Trang tử nói tới cây sáo không lỗ, coi đó là Thiên lại( sáo trời). Sáo trời không lỗ, nhưng phát ra thế giới âm thanh tuyệt mỹ, phong phú, và chí lạc mà sáo của người hay sáo của đât không thể sánh được.


Sử Việt đọc một bộ

…mà mãi vẫn chưa xong.. He he he. Ý em nói bộ Đại Nam thực lục ấy mà. Bộ này NXB Giáo Dục mới in lại thành 10 tập to uỵch, rất chi là hoành tráng, có bảng tra cứu rất tiện lợi, tuy nhiên nhiều chỗ cần biên tập kỹ hơn nữa. Thí dụ đoạn trên bảo cụ Nguyễn Công Trứ là Tổng đốc Hải Yên, đoạn dưới đã là Hải An, đến tập sau lại là Hải Yên… Ai chả biết chữ Hán, Yên cũng đọc là An, An cũng chính là Yên nhưng mừ làm thế nào cho nó chính xác và đồng bộ chứ.

Em ngờ rằng các cụ tổ phiên dịch của Viện Sử học ngày xưa không hiếm người có tính hài hước. Dẫu cho các cụ sử gia triều Nguyễn nói theo lối bi giờ là chép sử theo sự “chỉ đạo từ trển” gắt gao hơn các thời trước nhiều, nhưng trong Đại Nam thực lục có nhiều tình tiết các cụ dịch đắt và hay đến độ không muốn vỗ đùi đen đét cũng không được. A, không, nói thế hơi mất hình tượng, vỗ đùi đen đét làm gì có, nhưng cười khanh khách đến độ chồng phải giựt mình thì có.

Đọc ĐNTL sơ bộ có mấy cái thấy đáng chú ý :

Thứ nhất, sớ tấu nhiều khủng khiếp nhưng vua còn làm việc khủng khiếp hơn, đặc biệt là Minh Mệnh. Bất cứ một tờ sớ tấu nào dâng lên dù là vì bất cứ việc gì cũng đều có lời phản hồi do nhà vua đích thân châu phê. Kiểu này, mỗi tối ông ấy phải thức đến tận sáng để mà đọc và trả lời sớ tấu, lấy đâu ra thì giờ để mà lảng vảng tam cung lục viện rồi còn “nhất dạ lục giao sinh thất tử”…Hèm hèm…

Các vua triều Nguyễn bận rộn việc triều đình thế mà vị nào cũng có mấy tập văn thơ dày cộp to tổ chảng. Chả hiểu họ sáng tác vào lúc nào. Hổm rồi, mình với bác Ánh đại ca có đùa nhau rằng, mấy ông ấy viết thơ văn cứ như là viết blog mỗi ngày ý mà, cũng có entry hay, entry dở hoặc có cái entry viết lăng nha lăng nhăng. Em nói không đùa đâu, cứ tập hợp entry của mấy bác siêu sao blog lại mà đem in thành tập lại chả dày đến mấy nghìn trang ấy à?

Trong ĐNTL có rất nhiều sớ tấu về khẩn hoang và đê điều. Ai quan tâm lôi Đại Nam thực lục ra mà đọc, dịch ráo cả rồi. Không chịu đọc sử cứ ngồi đó mà kêu là sớ tấu đê điều nhiều mà chưa ai dịch.

Riêng về cụ Nguyễn Công Trứ (he he), tại sao cụ chỉ có duy nhứt một bài thơ chữ Hán trong khi sáng tác để lại của cụ tuyền là thơ Nôm? Nhiều nhà nghiên cứu lí giải hiện tượng này lắm, nào là thế này nào là thế nọ. Úi giời, em cứ đọc sử em suy thôi. Quãng thời gian làm quan của cụ lúc nào cũng thấy cụ đang trên đường hết quai đê lấn biển, hết nạo sông thì lại đi đánh giặc. Đọc mà thấy hãi, cụ bôn ba khắp Đông Tây Nam Bắc, đầu tháng này còn ở đây, cuối tháng đã ở tít tắp mù khơi đuổi giặc, còn đánh dẹp đến tận cả Côn Lôn nữa. Cụ chỉ có một mối bận tâm duy nhất đó là lo lắng vận lương điều quân và viết sớ tấu về “mách” vua, cụ lấy đâu ra thì giờ mà ngâm ngợi thơ văn. Mấy sáng tác Nôm cụ làm chủ yếu là hồi cụ chưa ra làm quan và sau khi cụ nghỉ hưu, lúc ấy cụ làm cho mấy “ẻm” hát. Viết lời cho mấy “ẻm” hát là phải thật độc, thật lẳng, thật khinh khoái, có nói ngông tí cho sướng cũng được … trong khi thơ chữ Hán niêm luật gò bó, ngôn từ điển nhã khô cứng chả hợp với sự thích của cụ, nên cụ từ chối không dùng, loại ra khỏi menu của cụ âu cũng là cái lẽ đương nhiên…

Em loay hoay hai ngày giời với mấy cái bảng thống kê và chấm cái biểu đồ đường hoạn lộ của cụ Trứ. Con số thống kê càng rõ ràng, em càng kém tin, tệ thật. Con số luôn là con dao hai lưỡi. Hơn nữa “sử”, xét cho đến tận cùng cũng có sự dối trá của nó.

Trong cuốn Triết lý chấp sinh Nguyễn Công Trứ của cụ Vũ Đình Trác có vẽ tay biểu đồ thăng giáng nhưng mà sai về phẩm trật ráo cả. Thế là phải lôi Đại Nam hội điển sự lệ ra tra từng trật một . Ngồi suốt buổi chiều không xong, tối huy động cả dì sang giúp, dù sao chuyên ngành của hắn đúng là sử cổ trung, hắn nắm mấy cái quan chế vững hơn mình. Hai chị em rải sách ra thềm dò mãi suốt buổi tối mà cũng vẫn còn non nửa…

Mệt chết lên được….